Phương thức là giao dịch trên sàn hoặc thỏa thuận, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 14/4 đến ngày 13/5/2020. Nếu giao dịch thành công, bà Huyền sẽ giảm sở hữu tại CTI từ 3,17% xuống còn 0%. Trong khi đó, ông Hùng Cường chỉ nắm giữ 1.100 cổ phiếu CTI, tương ứng tỷ lệ 0,017%.

Trước đó, từ ngày 4/3 đến ngày 1/4, bà Huyền cũng đã đăng ký thoái vốn tại CTI theo phương thức giao dịch trên sàn nhưng không thành do thị trường không thuận lợi.

Bên cạnh bà Huyền, gần đây, nhiều lãnh đạo khác của Cường Thuận IDICO cũng đã liên tiếp rút vốn tại CTI. Cụ thể, từ ngày 4/3 đến ngày 1/4, bà Phạm Mai Thu, Phó tổng giám đốc Công ty đã bán 14.000 cổ phiếu trong tổng số 50.000 cổ phiếu CTI đăng ký bán. Qua đó, bà Thu giảm sở hữu tại CTI từ 100.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,16% xuống còn 86.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,14%.

Cũng thời gian này, một Phó tổng giám đốc khác của Công ty là bà Trường Hồng Loan, đồng thời là vợ của Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Quang đã bán gần 2 triệu cổ phiếu CTI theo phương thức giao dịch trên sàn và thỏa thuận. Sau giao dịch, bà Loan còn nắm giữ hơn 3,24 triệu cổ phiếu CTI, tỷ lệ 5,15%.

Theo thông tin từ Cường Thuận IDICO, vào tháng 2 vừa qua, “đua theo trào lưu”, HĐQT Công ty đã thông qua quyết định triển khai mua lại 18,9 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương với 30% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty với giá chào mua dự kiến 22.100 đồng/cổ phiếu. Mục đích để giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, gia tăng lợi ích cho cổ đông.

CTI cho biết, nguồn vốn để mua lại cổ phiếu là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (184 tỷ đồng),quỹ đầu tư phát triển (36,6 tỷ đồng) và thặng dư vốn cổ phần (383,6 tỷ đồng). Thời gian dự kiến thực hiện mua lại sẽ vào khoảng quý I và quý II/2020.

Kết quả kinh doanh hợp nhất 2019 của CTI cho thấy, doanh thu thuần đạt 797 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 83,8 tỷ đồng, giảm đến 35%.

Trên thị trường, đóng cửa phiên 7/4, cổ phiếu CTI giảm nhẹ 0,9% xuống mức 21.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.