TTO - Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa được Chính phủ trình Quốc hội, hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành gồm 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt.

Tương quan vị trí sân bay Long Thành với TP.HCM - Nguồn: ACV

 

Theo đó, để kết nối sân bay Long Thành với mạng giao thông khu vực hiện có, sẽ đầu tư xây dựng 3 tuyến đường bộ gồm:

Tuyến số 1 dài 3,8km kết nối trục chính đầu phía Tây sân bay Long Thành với quốc lộ 51. Tuyến đường này có mặt cắt ngang gồm 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng 85 - 120m. 
Tuyến số 1 sẽ được xây dựng hoàn thành 6 làn xe vào năm 2025 khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu khách/năm đi vào khai thác.
Tuyến số 2 dài 3,5km sẽ kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đường có mặt cắt ngang 4 làn xe có 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến số 2 sẽ được xây dựng quy mô 4 làn xe vào năm 2025.
Tuyến số 3 dài 8,5km kết nối trục chính đầu phía Đông sân bay Long Thành với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đường có mặt cắt ngang gồm 8 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng 85 - 115m. 
Tuyến đường này sẽ được xây dựng với quy mô 6 làn xe vào năm 2030 khi đầu tư giai đoạn 2 sân bay Long Thành với công suất 50 triệu khách/năm.

 

Đến năm 2040, khi công suất của sân bay Long Thành đạt 75 triệu khách/năm sẽ xây dựng các tuyến số 1, số 2, số 3 theo quy mô hoàn chỉnh.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ này đã được sự đồng thuận của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai.

Về đường sắt, Chính phủ cho biết có 2 tuyến kết nối với sân bay Long Thành là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm của sân bay Long Thành. 
Theo đó sẽ bố trí 1 nhà ga đường sắt tốc độ cao và 2 nhà ga đường sắt nhẹ kết nối thuận lợi với các nhà ga hành khách của sân bay Long Thành.


Đề xuất làm tuyến đường ưu tiên kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành

Ngoài ra, để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ lâu dài, ngoài kết quả nghiên cứu của tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn trong nước cập nhật dự báo nhu cầu giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới sân Long Thành và nhu cầu giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành.

Qua đó, đề xuất phương án nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cũng như tiến trình đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt để đáp ứng sự phát triển của sân bay Long Thành theo từng giai đoạn (giai đoạn 1 25 triệu hành khách/năm, giai đoạn 2 50 triệu hành khách/năm, giai đoạn 3 100 triệu hành khách/năm).

Theo tư vấn, khu vực TP.HCM là hướng kết nối quan trọng nhất, chiếm khoảng 68 - 73% nhu cầu giao thông kết nối của sân bay Long Thành. Do đó ngoài tuyến đường bộ hiện có là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường tỉnh 25C cần điều chỉnh quy hoạch đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 8 làn lên 10 - 12 làn xe.

Đồng thời bổ sung tuyến kết nối liên vùng từ nút giao Gò Công - quốc lộ 20 để giảm áp lực giao thông lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây.

Ngoài ra cần bổ sung tuyến đường trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C, vượt qua sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam, kết nối vào tuyến đường trên cao số 3 để liên thông với toàn bộ hệ thống đường trên cao của TP.HCM để kết nối tới các khu vực quan trọng của TP.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là tuyến ưu tiên chỉ kết nối riêng TP.HCM với sân bay Long Thành.

Về đường sắt, tư vấn đề xuất kéo dài tuyến đường sắt nhẹ sân bay Long Thành - Thủ Thiêm đi tiếp qua khu Thanh Đa sang đường Phạm Văn Đồng, đi dọc đường này kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất…



Theo Tuấn Phùng
Tuổi Trẻ.